On Liberty, Chapter 1: Introduction – John Stuart Mill

ADB8EE56-FA34-40CA-AA76-87A1781A75E4
Luận về Tự Do
Chương 1: Giới thiệu

John Stuart Mill
Võ Tấn Phát dịch và chú thích

Chủ đề của tiểu luận này không phải là cái gọi là Tự Do Ý Chí, rủi thay đã được dùng để đối lập với học thuyết bị gọi sai Sự Tất Yếu Triết Học; mà là Tự Do Công Dân, hay Xã Hội: bản chất và giới hạn của quyền lực có thể được xã hội sử dụng một cách hợp pháp lên một cá nhân. Một vấn đề ít khi được đặt ra, và hầu như không được thảo luận, nói chung, nhưng nó ảnh hưởng sâu sắc đến những tranh luận thực tiễn của thời đại bởi hiện diện tiềm tàng của nó, và có nhiều khả năng sẽ sớm được thừa nhận như một vấn đề sống còn trong tương lai. Nó không phải là mới, mà trong một mức độ nào đó, nó đã chia rẽ nhân loại, hầu như từ những thời xa xưa nhất, nhưng trong thời đại tiến bộ, trong đó những thành phần văn minh hơn của loài người ngày nay đang bước vào, nó bộc lộ dưới những điều kiện khác, và đòi hỏi một cách xử lý khác hơn và cơ bản hơn.

Giao tranh giữa Tự Do và Quyền Lực là đặc điểm nổi bật nhất trong những thời kỳ lịch sử mà chúng ta quen thuộc với nó sớm nhất, đặc biệt là của Hy Lạp, La Mã, và Anh. Nhưng trong những thời cổ xưa sự giao tranh này xảy ra giữa những kẻ bị trị, hoặc một vài giai cấp bị trị, và chính quyền. Đề cập tự do, nghĩa là chở che chống lại sự bạo ngược của những nhà cai trị chính trị. Những nhà cai trị được coi như (trừ trong vài chính phủ bình dân của Hy Lạp) đứng ở một vị trí đối lập với dân chúng mà họ cai quản. Họ bao gồm một Thể thống trị, hay một bộ lạc hay đẳng cấp thống trị, đã lấy được quyền lực do thừa kế hoặc do xâm lược; họ, trong mọi trường hợp, không nắm quyền với sự vui vẻ của kẻ bị trị, và quyền uy tối thượng của họ thì người dân không liều lĩnh, có lẽ không mong muốn, phản đối, dù bất kỳ những phòng ngừa nào có thể được sử dụng để chống lại hành động đàn áp của nó. Quyền lực của họ được coi như cần thiết, nhưng cũng hết sức nguy hiểm; nó như một thứ vũ khí có thể dùng chống lại những thần dân của họ, không ít hơn để chống lại những ngoại thù. Để ngăn ngừa những thành viên yếu hơn của cộng đồng trở thành mồi ngon cho vô số kên kên, cần phải có một con ác điểu mạnh hơn hết thảy, được ủy quyền để kiềm giữ chúng. Nhưng khi vua của loài kên kên cũng ăn sống nuốt tươi bầy đàn không ít hơn bất cứ kẻ tham tàn thứ yếu nào, điều không thể thiếu là thái độ mãi mãi phòng ngừa móng vuốt của nó. Vì thế, mục tiêu của dân chúng là đặt ra những giới hạn của quyền lực mà kẻ cai trị phải chịu khi điều hành cộng đồng; và sự giới hạn này là cái họ gọi là tự do. Nó đã được thử nghiệm bằng hai cách. Thứ nhất, bằng cách đạt được một sự thừa nhận những quyền bất khả xâm phạm nhất định, gọi là tự do hay quyền chính trị, mà bị coi như lạm quyền trong truờng hợp kẻ cai trị xâm phạm đến, và, nếu y đã xâm phạm, thì phản kháng cụ thể, hay khởi nghĩa toàn thể, đựoc coi là chính đáng. Thứ nhì, và nói chung là một phương cách trễ hơn, là sự thiết lập chế độ kiểm tra bằng hiến pháp; bằng cách đó, sự đồng thuận của cộng đồng, hay của một hội đồng nào đó được coi như đại diện cho quyền lợi của nó, được đem ra làm điều kiện cần thiết cho vài đạo luật quan trọng hơn cho quyền cai trị. Về trường hợp thứ nhất của phương thức giới hạn này, quyền lực của giới cai trị, trong hầu hết những quốc gia Âu Châu, ở một mức độ nào đó, bị bắt buộc phải phục tùng. Trường hợp thứ hai không được như vậy; và giành được điều này, hoặc khi đã có được ở một mức độ nào đó, giành được trọn vẹn hơn, ở khắp nơi đã trở thành là mục đích của những người yêu chuộng tự do. Và chừng nào mà nhân loại còn bằng lòng với việc dùng kẻ thù này chống kẻ thù kia, và được cai trị bởi một chủ nhân, với điều kiện là được bảo đảm không ít thì nhiều một cách có hiệu quả chống lại sự bạo ngược của y, thì chừng đó họ không chuyên chở khát vọng của mình vượt quá điểm này.

Tuy nhiên, đã đến lúc, trong tiến trình đời sống của nhân loại, khi người ta ngừng suy nghĩ rằng bản chất tất yếu là những người cai trị họ phải là một quyền lực độc lập, đối lập về quyền lợi với chính họ. Hóa ra đối với họ tốt hơn hết là các nhà hành pháp của Quốc gia nên là người làm thuê hay người đại diện của họ, có thể phế bỏ khi nào họ muốn. Chỉ riêng bằng cách đó, dường như họ có thể được chở che hoàn toàn mà những quyền lực của chính quyền sẽ không bao giờ bị lạm dụng để đem lại bất lợi cho họ. Từng bước một, đòi hỏi mới mẻ này, về những nhà cai trị được bầu lên và tạm thời, đã trở thành mục tiêu nổi bật của những nỗ lực của một chính đảng bình dân, bất cứ nơi nào một chính đảng như thế tồn tại; và đã thế chỗ, ở một mức độ đáng kể, cho những nỗ lực trước đó nhằm giới hạn quyền lực của những nhà cai trị. Khi cuộc đấu tranh dẫn đến việc thiết lập quyền cai trị xuất phát từ lựa chọn theo định kỳ của giai cấp bị trị, một số người đã bắt đầu nghĩ rằng quá nhiều tầm quan trọng bị gắn liền với chính sự giới hạn của quyền lực. Đó (dường như) là phương kế chống lại những nhà cai trị mà quyền lợi của họ thường xuyên đối lập với quyền lợi dân chúng. Điều được mong muốn là, những nhà cai trị phải đồng nhất với dân chúng; quyền lợi và ý chí của họ phải là quyền lợi và ý chí của quốc gia. Quốc gia không cần phải được bảo vệ chống lại ý chí của chính nó. Không có nỗi lo sợ nó áp chế chính mình. Hãy để những nhà cai trị có trách nhiệm một cách có hiệu quả về nó, có thể bị truất phế kịp thời bởi nó, và nó có khả năng để tin tưởng giao cho họ cái quyền lực mà nó có thể tự mình điều khiển việc sử dụng quyền lực đó như thế nào. Quyền lực của họ chỉ là quyền lực của quốc gia, được tập trung, và ở dưới dạng thuận tiện thi hành. Lối suy nghĩ, hay đúng hơn có lẽ là cảm giác này, rất phổ biến trong thế hệ cuối cùng vừa rồi theo chủ nghĩa tự do của Âu châu, và trong phần lục địa Âu châu, nó vẫn dường như còn trội hơn hẳn. Những người thừa nhận bất kỳ giới hạn nào mà chính phủ có thểđược phép thực hiện, trừ trường hợp những chính phủ mà họ nghĩ là không nên tồn tại, đã nổi bật lên như những ngoại lệ sáng chói giữa những nhà tư tưởng chính trị của lục địa Âu châu. Một tiếng nói cùng cảm tính như vậy có lẽ vào lúc này đã phổ biến ở đất nước chúng ta, nếu như những tình huống thuận lợi cho nó vẫn tiếp diễn không bị thay đổi.

Nhưng, trong những lý thuyết chính trị và triết học, cũng như trong ở những cá nhân, thành công phơi bày những khuyết điểm và những nhu nhược mà thất bại có lẽ đã che giấu. Cái ý niệm, rằng dân chúng không cần phải giới hạn quyền lực của họ lên chính mình, dường như là hiển nhiên, khi chính phủ bình dân là một thứ chỉ được mơ ước đến, hoặc được đọc đến như là chỉ tồn tại trong quá khứ. Ý niệm đó không nhất thiết phải bị xao động bởi những lầm loạn đương thời như Cuộc Cách Mạng Pháp, mà cái tồi tệ nhất của nó là việc làm của một vài kẻ tiếm quyền, và nó, trong mọi trường hợp, không phải là công trình lâu bền của những thể chế bình dân, mà là một sự bùng nổ đột ngột và dữ dội chống lại nền chuyên chế quân chủ và quý tộc. Tuy nhiên, cuối cùng thì một nền cộng hòa dân chủ đã chiếm một phần lớn mặt đất [2] , và cho thấy chính nó là một trong những thành viên hùng mạnh nhất của cộng đồng các quốc gia; và chính phủ được bầu ra và có trách nhiệm đã trở thành chủ đề cho những quan sát và những chỉ trích dựa trên một sự kiện có thực vĩ đại. Ngày nay ta thấy rằng những từ ngữ như “tự chủ” (“self-government”), và “quyền lực của dân chúng lên chính họ”, không diễn tả thực trạng của hoàn cảnh đó. “Dân chúng” sử dụng quyền lực, không phải lúc nào cũng là dân chúng bị cai trị, và “tự chủ” được nói đến, không phải mỗi người làm chủ chính mình, mà là một người làm chủ số còn lại. Thêm nữa, ý chí của dân chúng, hay phương tiện thực hành, là ý chí của số đông hay phần tích cực nhất của của dân chúng; đa số, hay là những ai thành công trong việc làm cho họ được chấp nhận như đa số; kết quả là, dân chúng có thể mong muốn đàn áp một phần trong số họ; và những phòng ngừa ngăn chặn điều này, cũng cần thiết như để ngăn chặn bất kỳ ai đó lạm dụng quyền lực. Vì vậy, sự giới hạn quyền lực của chính quyền trên những cá nhân, không hề mất đi tầm quan trọng của nó khi những người cầm quyền phải thường xuyên chịu trách nhiệm trước cộng đồng, có nghĩa là, trước phe phái mạnh nhất trong đó. Quan điểm này – hấp dẫn cả trí tuệ của các nhà tư tưởng lẫn khuynh hướng của những giai cấp quan trọng trong xã hội Âu châu mà đối với quyền lợi thực sự hay giả định của họ thì chế độ dân chủ là thù nghịch – đã tự củng cố không mấy khó khăn; và trong những suy xét chính trị, “sự bạo ngược của đa số” [3] ngày nay nói chung được kể vào số những điều ác mà xã hội đòi hỏi phải cảnh giác.

Cũng như những bạo ngược khác, sự bạo ngược của đa số thì thoạt đầu, và vẫn tiếp tục một cách chướng mắt, gây khiếp hãi, chủ yếu là thông qua những đạo luật của các thế lực bình dân. Nhưng những cá nhân biết suy xét đã thấu hiểu được rằng khi xã hội chính là tên bạo chúa – xã hội như một tập thể, lên những cá nhân riêng biệt tạo ra nó – phương tiện đàn áp của nó không chỉ giới hạn trong những đạo luật mà nó có thể làm ra bằng quyền hành của các viên chức chính trị của nó. Xã hội có thể và thật sự thực hành sứ mạng của chính nó: và nếu nó đề ra những sứ mạng sai lầm thay vì đúng, hoặc bất kỳ những sứ mạng nào về những thứ nó không được can thiệp vào, nó đã thực hành một sự bạo ngược xã hội kinh khủng hơn nhiều kiểu đàn áp chính trị, bởi vì, mặc dù thường không bị duy trì bằng những hình phạt khắc nghiệt như thế, nó chừa ra ít lối thoát, xâm nhập sâu hơn nhiều vào những chi li của đời sống, và nô lệ hóa tâm hồn. Vì vậy, chở che chống lại sự bạo ngược của nhà hành pháp là không đủ; cũng cần phải có sự chở che chống lại sự bạo ngược của ý kiến và cảm giác chiếm ưu thế; chống lại xu hướng của xã hội muốn áp đặt, bằng phương tiện không phải là những hình phạt dân sự, những ý tưởng và lề lối của chính nó như các quy tắc đạo đức lên những người chống đối; kiềm chế sự phát triển, và, nếu có thể, ngăn chặn sự hình thành của bất kỳ cá tính nào không hòa hợp với những đường lối của nó, và buộc tất cả các vai diễn phải rập khuôn theo mô hình của chính nó. Có một giới hạn về sự can thiệp hợp pháp của ý kiến tập thể lên độc lập cá nhân; và tìm ra giới hạn đó, và duy trì nó khỏi bị xâm lấn, là cũng cần thiết cho một điều kiện tốt đẹp cho đời sống nhân loại, cũng ngang bằng với chở che chống lại nền chuyên quyền chính trị.

Nhưng mặc dù đề xuất này nói chung có lẽ không thể tranh cãi vào đâu được, câu hỏi thực tế, phải đặt giới hạn này ở đâu – làm thế nào để điều chỉnh thích hợp giữa độc lập cá nhân và quyền lực xã hội – hầu như là tất cả vấn đề chủ chốt phải thực hiện. Tất cả những gì làm cuộc sống có giá trị cho mỗi người, phụ thuộc vào sự thi hành những hạn chế lên những hành động của người khác. Vài quy tắc đạo đức, vì vậy, phải được áp đặt, trước tiên là bằng luật pháp, và bằng dư luận về nhiều thứ không phải là vấn đề thích hợp cho hoạt động của luật pháp. Những quy tắc này nên là gì, là câu hỏi chủ yếu trong đời sống nhân loại; nhưng nếu chúng ta loại trừ vài trường hợp hiển nhiên nhất, nó là một trong những điều ít tiến triển nhất trong cách giải quyết. Không có hai thời đại nào, và ít khi có hai quốc gia nào, đã quyết định giống nhau; và quyết định của một thời đại hay quốc gia này lại là một điều kỳ lạ của một thời đại hay quốc gia khác. Tuy nhiên dân chúng ở bất kỳ thời đại và quốc gia nào không hề ngờ vực bất kỳ khó khăn nào của nó, dường như nó là một vấn đề mà nhân loại luôn đồng ý. Những quy tắc đạt được giữa chính họ có vẻ hiển nhiên và chính đáng. Hầu như tất cả cái ảo tưởng trên toàn thế giới này là một trong những ví dụ của ảnh hưởng kỳ diệu của phong tục vốn không những – như tục ngữ nói – là một bản năng thứ hai, mà còn tiếp tục bị lầm lẫn với cái bản năng thứ nhất. Ảnh hưởng của phong tục, trong việc ngăn chặn bất cứ nghi ngờ nào về những quy tắc đạo đức mà nhân loại áp đặt lên nhau, càng trọn vẹn hơn bởi vì vấn đề này là một trong những thứ nói chung không được coi là cần thiết rằng lý lẽ phải được trình ra, hoặc bởi người này với người kia, hoặc bởi mỗi người với chính mình. Dân chúng quen tin tưởng, và đã được khuyến khích trong niềm tin bởi một số người vốn khao khát vai trò của những triết gia, rằng cảm giác của họ, về những chủ đề thuộc loại này, thì tốt hơn là lý lẽ, và cho rằng lý lẽ là không cần thiết. Nguyên tắc thực hành đã dẫn họ đến những ý kiến về sự quy định cách cư xử của nhân loại, là cái cảm giác trong trí óc mỗi cá nhân rằng mỗi người nên được yêu cầu phải đối xử giống như y, và tất cả những người y có thiện cảm, muốn họ đối xử lại. Không ai, thực ra, tự thừa nhận rằng tiêu chuẩn xét đoán của y là ý thích của chính y; nhưng một ý kiến về một quan điểm đạo đức, không được hỗ trợ bởi những lý lẽ, chỉ có thể được tính là ý thích của một cá nhân; và nếu những lý lẽ, khi được đưa ra, chỉ là một chống chế rằng một ý thích tương tự được cảm thông bởi những người khác, thì nó vẫn chỉ là ý thích của nhiều người thay vì một người. Đối với một người bình thường, tuy nhiên, ý thích của chính y, được hỗ trợ như thế, không chỉ là một lý do hoàn toàn thỏa mãn, mà còn là lý do duy nhất y có nói chung về bất kỳ những khái niệm nào của y về đạo đức, sở thích, hay phép tắc, mà chúng không được viết xuống rõ ràng trong hệ thống tín điều của y; và là tấm bảng chỉ đường chủ yếu của y trong việc diễn dịch ngay cả điều đó. Những ý kiến của con người, như vậy, về điều đáng khen ngợi hay đáng chê trách, bị ảnh hưởng bởi tất cả những nguyên do khác nhau mà chúng ảnh hưởng những mong ước của họ đối với cách hành xử của những người khác, và chúng cũng nhiều như những thứ quyết định mong ước của họ về bất kỳ chủ đề nào khác. Đôi khi lý do của họ – vào những lúc khác là những định kiến hay mê tín của họ: thường là những thiện ý xã hội của họ, không hiếm khi là những thứ phản xã hội, sự đố kỵ hay ganh ghét của họ, sự ngạo mạn hay khinh bỉ của họ: nhưng thông thường nhất, những khao khát hay lo sợ cho bản thân của họ – tính tư lợi chính đáng hay không chính đáng của họ. Bất cứ khi nào có một giai cấp có ưu thế, một phần lớn đạo đức của quốc gia bắt nguồn từ những quyền lợi giai cấp của nó, và những cảm giác của nó về tính tự tôn giai cấp. Đạo đức giữa những người Sparta và Helot [4] , giữa những chủ đồn điền và nô lệ, giữa những ông hoàng và thần dân, giữa những quý tộc và thường dân, giữa đàn ông và đàn bà, phần lớn là nguồn gốc tạo ra những quyền lợi và cảm xúc giai cấp: và những cảm tính được phát sinh ra như thế, đến lượt nó phản ứng lại những cảm xúc đạo đức của những thành viên của giai cấp có ưu thế, trong những quan hệ giữa bọn họ. Nơi mà, mặt khác, một giai cấp, trước kia có ưu thế, đã đánh mất ưu thế của nó, hay nơi mà ưu thế của nó không còn được ưa chuộng, những cảm tính đạo đức thắng thế này thường mang một dấu ấn của một sự ghét bỏ nóng vội tính tự tôn đó. Một nguyên tắc quyết định lớn khác về những quy tắc đạo đức, cả trong hành động và trong sự chịu đựng bị ràng buộc bởi luật lệ hay dư luận, là tinh thần nô lệ của nhân loại đối với những thứ được cho là những ý thích hay ác cảm của những chủ nhân thế tục của họ, hay của những thần thánh của họ. Tinh thần nô lệ này, dù về cơ bản là ích kỷ, không phải là thói đạo đức giả; nó gây ra những tình cảm căm ghét hoàn toàn chân thực; nó làm cho con người thiêu sống những phù thủy và kẻ dị giáo. Trong số rất nhiều các ảnh hưởng ti tiện hơn, những lợi ích chung và hiển nhiên của xã hội dĩ nhiên có dự phần, và một phần lớn, trong chiều hướng của những cảm xúc về đạo đức: tuy vậy, ít hơn như là vấn đề lý lẽ, và về phần chúng, phần nhiều như là một hậu quả của những thông cảm và ác cảm nảy sinh ra từ chúng: và những thông cảm và ác cảm vốn có ít hay không có gì liên quan đến những lợi ích của xã hội, đã gây ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức với một sức mạnh to lớn.

Những ý thích hay không thích của xã hội, hay của thành phần có quyền lực nào đó của nó, vì thế là cái chính được xác định trong thực tế những quy tắc đặt ra cho mọi người tuân thủ, dưới những hình phạt của luật lệ hay dư luận. Và nói chung, những ai tiến bộ trong xã hội về mặt suy nghĩ và cảm giác, đã để yên tình trạng này không đụng đến về nguyên tắc, dù cho họ có thể mâu thuẫn với nó ở một vài chi tiết của nó. Họ đã bận rộn trong việc tìm hiểu xem những thứ gì xã hội nên thích hay không thích, hơn là đặt câu hỏi những ý thích hay không thích có nên là một luật pháp cho những cá nhân hay không. Họ đã nỗ lực thay đổi những cảm giác của nhân loại về những điểm nào đó mà chính họ có quan điểm không chính thống, hơn là tìm thấy mục tiêu chung trong việc bảo vệ tự do, với những kẻ không chính thống nói chung. Trường hợp duy nhất trong đó ưu thế được chiếm lấy trên nguyên tắc và được duy trì một cách nhất quán, bởi tất cả mọi người trừ một vài cá nhân đây đó, là trường hợp về niềm tin tôn giáo: một trường hợp đáng học hỏi về nhiều mặt, và không phải chỉ vì nó tạo ra một thí dụ nổi bật nhất về tính sai ngụy của cái được gọi là cảm giác đạo đức: mà bởi vì sự thù ghét về tôn giáo, trong một niềm tin mù quáng chân thành, là một trong những trường hợp không lập lờ nhất về cảm xúc tôn giáo. Những người đầu tiên đã phá bỏ gông xiềng của cái tự phong là Tôn Giáo Thế Giới [5] , thì nói chung cũng đã ít sẵn lòng cho phép sự khác biệt ý kiến tôn giáo như chính cái tôn giáo đó. Nhưng khi sức nóng của sự xung đột đã qua đi, mà không đem lại chiến thắng hoàn toàn cho bất cứ phe nào, và mỗi tôn giáo hay giáo phái bị buộc phải giới hạn những hy vọng của nó ở mức giữ lại phần sở hữu trên địa bàn nó đã chiếm được; những thiểu số, thấy rằng họ không có cơ hội trở thành đa số, nhất thiết phải cầu khẩn những người mà họ không thể cải đạo được, để được phép khác biệt. Như thế trên chiến trường này, gần như đơn độc, mà những quyền lợi của cá nhân đối ngược với xã hội đã được xác nhận trên những nền tảng nguyên tắc rộng lớn, và yêu sách của xã hội nhằm thực hành quyền lực lên những kẻ không tán thành đã bị phản đối công khai. Những cây bút vĩ đại mà thế giới mang ơn sự tự do tôn giáo nó có được, hầu hết đã khẳng định tự do tín ngưỡng là một quyền không thể thủ tiêu, và đã tuyệt đối phủ nhận rằng một người phải chịu trách nhiệm trước những người khác về niềm tin tôn giáo của y. Tuy nhiên điều rất tự nhiên đối với nhân loại là tính không dung thứ về bất cứ thứ gì họ thực sự quan tâm, cho nên tự do tôn giáo hiếm có nơi nào được thi hành trong thực tế, trừ nơi nào sự hờ hững tôn giáo, mà nó không thích nền hòa bình của nó bị xáo trộn bởi những tranh chấp thần học, đã thêm trọng lượng của nó vào bàn cân.Trong tâm trí của hầu hết tất cả những cá nhân mộ đạo, ngay cả trong những quốc gia khoan dung nhất, phận sự của dung thứ được thừa nhận với những dè dặt ngấm ngầm. Một cá nhân sẽ chịu đượng sự bất đồng ý kiến về vấn đề cai quản tôn giáo, nhưng sẽ không chịu về vấn đề giáo lý; một người khác có thể chịu đựng được bất cứ ai, ngay cả một người Papist [6] hay một người Unitarian [7] ; một người khác, [chịu đựng được] tất cả mọi người tin vào tôn giáo thiên khải [8] ; một số trải rộng lòng tốt của họ thêm chút đỉnh, nhưng dừng lại ở niềm tin vào một Thượng Đế và vào một đời sống tương lai. Bất cứ nơi nào mà tình cảm của đa số vẫn còn chân thành và dữ dội, yêu sách bắt phải tuân thủ ít bị giảm đi.

Ở Anh quốc, từ những hoàn cảnh khác thường trong lịch sử chính trị của chúng ta, mặc dù xiềng xích của dư luận có lẽ nặng hơn, xiềng xích của luật pháp lại nhẹ hơn, so với hầu hết các nước khác ở Âu Châu; và có một sự ngờ vực cảnh giác đáng kể đối với sự can thiệp trực tiếp, bởi quyền lập pháp hay hành pháp, vào đời sống cá nhân; không phải từ bất kỳ quan tâm chính đáng đến sự độc lập cá nhân, mà như từ thói quen vẫn còn tồn tại là coi chính quyền đại diện cho những lợi ích đối lập với công chúng. Đa số vẫn chưa học được cách để cảm thấy quyền lực của chính quyền là quyền lực của họ, hay ý kiến của nó là ý kiến của họ. Khi họ làm được như thế, tự do cá nhân có lẽ sẽ bị phô trần trước sự xâm phạm của chính quyền, nhiều lắm thì cũng như là nó đang bị từ dư luận của quần chúng. Nhưng, cho đến nay, có một lượng cảm xúc đáng kể sẵn sàng được kích động nhằm chống lại bất kỳ nỗ lực nào luật pháp nhằm kiềm chế những cá nhân ở những thứ mà trong đó mãi cho đến nay họ chưa quen bị nó điều khiển; và điều này xảy ra với ít phân biệt xem vấn đề có, hoặc không, nằm trong vòng kiểm soát của luật pháp hay không; đến mức mà cảm xúc, nói chung là rất bổ ích, có lẽ cũng thường bị đặt không đúng chỗ cũng như được dựa vào trong những thí dụ đặc biệt về sự ứng dụng của nó. Thực ra, không có nguyên tắc được thừa nhận nào mà dựa vào đó sự thích đáng hay không thích đáng của sự can thiệp của chính quyền được kiểm tra một cách thường lệ. Dân chúng quyết định theo những ưa thích cá nhân. Một số, bất kỳ lúc nào bất kỳ cái thiện được thực hiện, hoặc cái ác được sửa chữa, sẽ sẵn sàng thúc giục chính quyền đảm trách công việc; trong khi đó những người khác thích chịu đựng hầu hết bất kỳ số lượng nào cái ác của xã hội, hơn là thêm một thứ vào những ban ngành về những quyền lợi của nhân loại dưới sự điều khiển của chính quyền. Và loài người tự đặt họ ở bên này hoặc bên kia trong bất kỳ trường hợp nào, tùy theo phương hướng chung của những tình cảm đạo đức của họ; hoặc tùy theo mức độ quyền lợi mà họ cảm thấy trong điều gì được đề nghị là chính quyền nên làm, hoặc tùy theo niềm tin mà họ nuôi dưỡng rằng chính quyền sẽ, hoặc sẽ không, làm điều đó theo cách họ thích; nhưng rất hiếm khi dựa trên lý lẽ của bất kỳ ý kiến nào đó mà họ gắn bó kiên định, như những điều gì thích hợp để được thi hành bởi một chính quyền. Và theo tôi dường như trong hậu quả của sự thiếu vắng luật lệ hay nguyên tắc này, hiện nay phía này cũng sai lầm như phía kia; sự can dự của chính quyền thì, với tần số gần như bằng nhau, được viện dẫn một cách không thích đáng và bị kết án một cách không thích đáng.

Mục đích của tiểu luận này là khẳng định một nguyên tắc rất đơn giản, khi được quyền làm chủ hoàn toàn những xử lý của xã hội với cá nhân bằng cách cưỡng bách hoặc kiềm chế, thì những phương tiện được dùng là vũ lực ở dạng những hình phạt pháp luật, hay áp lực đạo đức của dư luận công cộng. Nguyên tắc đó là, mục đích duy nhất mà nhân loại được cho phép, cá nhân hay tập thể, trong việc can thiệp vào tự do hành động của bất kỳ ai trong số họ, là tự vệ. Rằng mục đích duy nhất mà quyền lực có thể được sử dụng chính đáng lên bất kỳ thành viên nào của một cộng đồng văn minh, đối nghịch lại ý chí của y, là để ngăn ngừa gây nguy hại đến những người khác. Điều tốt của chính y, dù về phần xác hoặc phần hồn, không là một bảo đảm thích đáng. Y không thể bị ép buộc một cách hợp pháp phải làm hoặc phải chịu đựng bởi vì tốt hơn là y phải làm thế, bởi vì nó sẽ làm y vui vẻ hơn, bởi vì, theo những ý kiến của những người khác, làm thế là khôn ngoan, hay thậm chí là đúng. Đấy là những lý do tốt để khiển trách y, hoặc để lý lẽ với y, hoặc để thuyết phục y, hoặc để khẩn nài y, nhưng không phải để ép buộc y, hoặc để gây tổn hại cho y nếu y làm khác đi. Để biện minh cho điều đó, phương thức được đề nghị để ngăn chặn y, phải được suy tính để gây hại lên người [phạm tội] khác. Phần duy nhất trong cách hành xử của bất kỳ ai, mà y phải chịu trách nhiệm trước xã hội, là phần có liên quan đến những người khác. Trong phần nào chỉ liên quan đến y, thì sự độc lập của y, như một đặc quyền, là tuyệt đối. Trên chính bản thân y, trên thân thể và tâm hồn của chính y, cá nhân là tối thượng.

Có lẽ, không cần phải nói rằng chủ thuyết này chỉ nhằm áp dụng với số nhân loại trưởng thành trong số đồng loại của họ. Chúng ta không nói về trẻ con, hay những người trẻ dưới mức tuổi mà luật pháp có thể trừng phạt như đối với đàn ông hay phụ nữ. Những ai vẫn còn trong tình trạng cần được người khác chăm sóc, phải được che chở đối với những hành động của chính họ cũng như đối với nguy hại từ bên ngoài. Với cùng lý do đó, chúng ta có thể bỏ qua không xét đến những xã hội lạc hậu trong đó chính chủng tộc có thể bị coi như ở trong thời kỳ chưa thành niên. Những khó khăn lúc đầu trên con đường phát triển tự phát thì quá lớn, đến mức hiếm khi có bất cứ lựa chọn nào về phương cách để vượt qua chúng; và một nhà cai trị tràn đầy tinh thần tiến bộ sẽ được quyền sử dụng bất cứ những thủ đoạn nào để đạt được mục đích, mà có lẽ nếu làm khác thì không thể đạt được. Chế độ chuyên quyền là một phương thức chính quyền hợp pháp để đối phó với những kẻ man rợ, nếu mục đích cuối cùng là sự tiến bộ của họ, và phương tiện được biện minh bằng thực sự tác động đến mục đích đó. Tự do, như một nguyên lý, không áp dụng được lên bất kỳ tình trạng nào trước lúc nhân loại có thể được mở mang bằng cách thảo luận tự do và bình đẳng. Cho đến lúc đó, không có gì khác hơn cho họ trừ việc tuyệt đối tuân lệnh một Akbar [9] hay một Charlemagne [10] , nếu họ may mắn tìm được một người như thế. Nhưng ngay khi nhân loại đạt được khả năng có thể đạt được sự tiến bộ của chính họ bằng cách kết tội hoặc thuyết phục (một thời điểm đạt được từ lâu ở tất cả các quốc gia mà chúng ta cần quan tâm đến ở đây), thì cưỡng bách, hoặc bằng hình thức trực tiếp hay bằng khổ hình hoặc hình phạt cho kẻ bất tuân, không còn được chấp nhận như một phương tiện cho sự an lạc của họ nữa, và chính đáng chỉ khi nào vì sự an toàn của những người khác.

Đúng ra phải nói rằng tôi bỏ đi bất cứ sự thuận lợi có thể tìm được cho lập luận của tôi từ ý niệm về cái quyền trừu tượng, như một thứ độc lập với tính thiết thực. Tôi coi tính thiết thực như bằng chứng tối hậu cho tất cả những câu hỏi về đạo đức; nhưng nó phải là tính thiết thực với nghĩa rộng nhất, đặt trên những quyền lợi vĩnh cửu của con người như một sinh vật phát triển không ngừng. Những quyền lợi đó, tôi cho rằng, cho phép khuất phục tính tự ý của cá nhân bằng quyền lực từ bên ngoài, chỉ với những hành động nào của mỗi cá nhân, mà có liên quan đến quyền lợi của người khác. Nếu một người nào đó hành động gây hại đến những người khác, ta có một vụ án/trường hợp có vẻ như có thể trừng phạt y, bằng luật pháp, hay, khi những hình phạt pháp luật không thể áp dụng một cách an toàn, bằng sự khiển trách công cộng. Cũng có nhiều những hành động tích cực cho lợi ích của người khác, mà y có thể bị bắt buộc một cách chính đáng phải thực hiện; thí dụ như, đưa ra bằng chứng trước tòa án; chia xẻ phần trách nhiệm công bằng trong việc phòng thủ chung, hay trong bất kỳ công việc chung khác cần thiết cho quyền lợi của xã hội mà y thụ hưởng sự bảo vệ của nó; và thực hiện một số việc phúc lợi cá nhân, như cứu mạng một đồng loại, hay can thiệp để bảo vệ kẻ không tự vệ được khỏi bị ngược đãi, những thứ mà bất cứ lúc nào hiển nhiên là nhiệm vụ một người phải làm, y có thể bị bắt chịu trách nhiệm một cách chính đáng trước xã hội vì không thực hiện. Một người có thể gây nên điều ác đến những người khác không chỉ bởi những hành động của y mà còn bởi sự bất động của y, và trong mọi trường hợp y phải chịu trách nhiệm một cách thích đáng trước họ về thiệt hại đó. Trường hợp sau, đúng vậy, đòi hỏi một sự cưỡng bách thận trọng hơn nhiều so với trường hợp đầu. Bắt bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm vì làm điều hại đến những người khác, là luật lệ; bắt y phải chịu trách nhiệm vì không ngăn ngừa điều hại, nói một cách tương đối, là ngoại lệ. Tuy nhiên có nhiều trường hợp đủ rõ ràng và đủ nghiêm trọng để biện minh cho ngoại lệ đó. Trong tất cả những thứ liên quan đến những quan hệ từ bên ngoài của một cá nhân, y phải chịu trách nhiệm theo luật pháp đối với những ai mà quyền lợi của họ có dính líu đến, và nếu cần thiết, đối với xã hội như là người bảo hộ của họ. Thường có những lý do đúng đắn để không bắt y phải chịu trách nhiệm này; nhưng những lý do này phải nảy sinh ra từ những thiết thực của trường hợp đó: hoặc bởi vì nó là một trường hợp trong đó y nói chung có thể hành động tốt hơn, khi để mặc y tự làm theo ý mình, hơn là khi bị kiềm chế bằng một cách nào đó trong đó xã hội sử dụng nó trong quyền lực của nó để kiềm chế y; hay bởi vì một cố gắng nhằm kiềm chế sẽ tạo ra những cái ác khác, còn nguy hiểm hơn những cái nó có thể ngăn ngừa. Khi những lý do như thế loại trừ việc thi hành sự chịu trách nhiệm này, lương tâm của chính người đó phải điền vào chiếc ghế trống, và bảo vệ những lợi ích của những người khác không được bảo vệ từ bên ngoài; phải tự phán xét mình nghiêm khắc hơn, bởi vì trường hợp này không thừa nhận việc y phải chịu trách nhiệm trước sự phán xét của đồng loại.

Nhưng có một khối các hoạt động trong đó xã hội, để phân biệt với cá nhân, nếu có, chỉ có một lợi ích gián tiếp; hiểu được tất cả phần đó của đời sống và cách hành xử của một cá nhân mà chỉ ảnh hưởng đến chính y, hay nếu nó cũng ảnh hưởng đến những người khác, thì chỉ với sự đồng ý và tham gia tự do, tự nguyện, và không bị lừa gạt của họ. Khi tôi nói chỉ có y, tôi có ý nói là một cách trực tiếp, và ngay lúc đầu: bởi vì cái gì ảnh hưởng đến y, có thể ảnh hưởng đến những người khác thông qua y; và sự phản đối có thể đặt trên tính bất ngờ này, sẽ được xem xét về sau. Điều này, như vậy, là lĩnh vực thích hợp của sự tự do của nhân loại. Nó bao gồm, đầu tiên, phạm vi riêng kín của ý thức; đòi hỏi tự do lương tâm, với ý nghĩa bao hàm toàn diện nhất; tự do tư duy và cảm xúc; tự do tuyệt đối về ý kiến và tình cảm về tất cả mọi chủ đề, thực hành hay lý thuyết, khoa học, đạo đức, hay thần học. Tự do phát biểu và in ấn ý kiến dường như rơi vào một nền tảng khác, vì nó thuộc về cách hành xử của một cá nhân có thể liên can tới người khác; nhưng, vì cũng quan trọng gần như tự do tư duy, và phần lớn dựa trên cùng những lý do này, trên thực tế không thể tách rời với nó. Thứ hai, nguyên tắc quy định sự tự do về thị hiếu và mưu cầu; về việc lập ra kế hoạch cho cuộc sống của ta cho phù hợp với tính cách của ta; về việc làm thứ gì ta thích, dưới những hậu quả như sau: không bị gây trở ngại từ đồng loại, miễn là điều ta làm không gây hại tới họ, dù cho họ nghĩ rằng cách xử sự của ta là ngu ngốc, hư hỏng, hoặc sai lầm. Thứ ba, từ đây sự tự do của mỗi cá nhân, nối tiếp theo là, trong cùng những giới hạn như thế, sự tự do hội họp giữa những cá nhân; tự do liên hiệp, cho bất cứ mục đích nào không dính đến gây nguy hại cho người khác: những người hội họp được coi như thành niên, không bị bắt buộc hay bị lừa gạt.

Không xã hội nào trong đó những quyền tự do này, xét toàn bộ, không được tôn trọng, là tự do cả, dù bất kỳ ở dạng chính quyền nào; và không xã hội nào là hoàn toàn tự do trong đó chúng không tồn tại tuyệt đối và không hạn chế. Nền tự do duy nhất xứng đáng với tên đó, là khi ta mưu cầu lợi ích của chính ta bằng đường lối của mình, miễn là chúng ta không cố tước đoạt lợi ích của người khác, hay ngăn chặn những nỗ lực của họ nhằm đạt được nó. Mỗi người là kẻ bảo vệ thích hợp cho sức khỏe của chính y, hoặc về thân xác, hoặc về tinh thần và tâm linh. Loài người thu lợi được nhiều hơn khi chịu đựng nhau để sống theo ý họ, hơn là bắt mỗi người phải sống theo ý của số còn lại.

Mặc dù chủ thuyết này không hề mới mẻ gì, và, đối với một số người, có thể có vẻ như một chân lý, không có một chủ thuyết nào đứng vào thế chống chọi trực tiếp hơn với khuynh hướng chung của ý kiến và lối thực hành hiện có. Xã hội đã tiêu dùng hết toàn bộ nỗ lực trong cố gắng (theo các mục đích của nó) để bắt con người tuân theo những ý niệm của nó về cá nhân, cũng bằng với nỗ lực cho một xã hội ưu tú. Những liên bang cổ đại đã nghĩ rằng họ được quyền thực hành, và những triết gia cổ đại đã tán thành, sự sắp đặt quy định mọi thứ trong cách hành xử của cá nhân bởi quyền lực công cộng, trên nền tảng rằng Nhà nước có một mối lợi ích sâu xa trong tất cả kỷ luật thể xác và tâm hồn của mỗi công dân của nó; một lối suy nghĩ có thể chấp nhận được ở những nền cộng hòa bị vây phủ bởi những kẻ thù hùng mạnh, trong tình trạng hiểm họa thường xuyên bị lật đổ bởi ngoại xâm hoặc nội loạn, và đối với nó ngay cả một khoảng thời gian ngắn ngủi lơi lỏng sức mạnh hay sự tự kiềm chế có thể là đòn chí tử một cách dễ dàng, thì họ có thể không đủ sức chờ đợi những ảnh hưởng vĩnh cửu có lợi của tự do. Ở thế giới hiện đại, quy mô lớn hơn nhiều của những cộng đồng chính trị, và trên hết, sự tách rời giữa quyền lực tinh thần và thế tục (vốn đặt sự cai quản lương tâm của con người vào tay những ai khác hơn là quyền lực điều hành công việc thế tục), đã ngăn chặn được một sự can thiệp lớn lao của luật pháp vào những chi li của đời sống cá nhân; nhưng những bộ máy đàn áp tinh thần đã được sử dụng một cách hăm hở hơn đối phó với sự phân kỳ từ cái ý kiến đang thống trị về tự xét, thậm chí còn hơn cả trong những vấn đề xã hội; tôn giáo, cái mạnh mẽ nhất trong số những nhân tố góp phần vào sự hình thành cảm xúc đạo đức, gần như luôn luôn được điều khiển bởi tham vọng của một hệ thống tôn ti, tìm cách điều khiển mọi mặt trong cách hành xử của nhân loại, hoặc bởi ý chí của đạo Tin Lành PuritanismThanh Giáo [11] . Và một vài người trong số những nhà cải cách hiện đại vốn đã đặt mình ở thế đối lập mạnh mẽ nhất với các tôn giáo trong quá khứ, thì tuyệt không hề chịu thua các giáo hội hay giáo phái trong sự cả quyết của họ về quyền thống trị tinh thần: đặc biệt là M. Comte [12] , mà hệ thống xã hội của ông, như đã được bộc lộ ra trong cuốn Hệ Thống Chính Trị Tích Cực (Systeme de Politique Positive), nhằm vào việc thành lập (mặc dù bằng những phương tiện đạo đức hơn là luật pháp) một sự chuyên quyền của xã hội lên cá nhân, vượt quá mọi thứ đã được suy tưởng trong tư tưởng chính trị của kẻ thi hành kỷ luật nghiêm khắc nhất trong số các triết gia cổ đại.

Bên cạnh những nguyên lý lạ kỳ của những nhà tư tưởng riêng lẻ, trên thế giới cũng có một xu hướng ngày càng tăng nhằm mở rộng quá mức những quyền lực của xã hội lên cá nhân, cả bằng sức ép của dư luận và ngay cả bằng luật pháp: và cũng như khuynh hướng về tất cả những thay đổi xảy ra trên thế giới là để củng cố xã hội, và giảm đi quyền lực của cá nhân, sự xâm lấn này không phải là một trong những cái ác thường hay tự động biến mất, nhưng, ngược lại, lớn mạnh khủng khiếp dần lên. Tính khí của nhân loại, dù là người cai trị hay thường dân, nhằm áp đặt những ý kiến và khuynh hướng của họ như là quy tắc ứng xử lên những người khác, được hỗ trợ quá mãnh liệt bởi một số cảm xúc tốt nhất và xấu nhất phụ thuộc vào bản chất của nhân loại, đến mức nó hiếm khi bị kiềm chế bởi bất kỳ điều gì trừ sự hám quyền; và khi quyền lực không giảm đi, và tăng trưởng lên, trừ khi một rào cản đạo đức vững mạnh có thể được dựng lên để ngăn ngừa mối nguy hại này, chúng ta ắt phải tin rằng, trong những tình huống hiện tại của thế giới, sẽ thấy nó gia tăng.

Sẽ thuận tiện cho cuộc tranh luận, nếu thay vì ngay lập tức đi thẳng vào luận đề tổng quát, chúng ta hãy tự giới hạn ngay lúc đầu vào một phân ngành riêng của nó, trong đó nguyên tắc được nêu ra ở đây, nếu không đầy đủ, thì đến một mức độ nào đó, cũng được thừa nhận bởi những ý kiến đương thời. Phân ngành này là Tự Do Tư Tưởng: từ đó không thể nào tách rời tự do nói và tự do viết vốn cùng bản chất. Mặc dù những quyền tự do này, ở một mức độ đáng kể, tạo nên một phần nào đạo đức chính trị của tất cả các nước nào tuyên bố khoan dung tôn giáo và những thể chế tự do, những nền tảng, cả về mặt triết học và thực hành, mà chúng dựa lên, có lẽ không quen thuộc đối với trí óc người thường, cũng không được đánh giá đúng hoàn toàn bởi nhiều người, ngay cả những người dẫn đầu về ý kiến, như mong đợi. Những nền tảng này, khi được thấu hiểu đúng, sẽ có ứng dụng rộng lớn hơn nhiều so với chỉ một phần của vấn đề, và một sự suy xét thấu đáo về phần này của câu hỏi sẽ được thấy như là lời giới thiệu tốt nhất cho phần còn lại. Với những ai mà điều tôi sắp nói ra không có gì mới, vì thế, tôi hy vọng, có thể thứ lỗi cho tôi, nếu trên chủ đề từ ba thế kỷ đến nay đã được thường xuyên thảo luận, tôi đánh liều thảo luận thêm lần nữa.

© 2004 talawas

[1]John Stuart Mill (1806-1873): nhà triết học và nhà kinh tế học người Anh. Tác phẩm nổi tiếng của ông, On Liberty (1859, Luận về Tự Do) có lẽ là một trong những luận văn quan trọng nhất về Tự Do.
[2]Hoa Kỳ
[3]Nguyên văn: “the tyranny of the majority” – cụm từ được Alexis Tocqueville dùng lần đầu tiên trong Democracy in America (Nền Dân Chủ ở Hoa Kỳ)
[4]Sparta và Helot: Helot là tầng lớp nô lệ của thành quốc Sparta trong thời cổ Hy Lạp
[5]Nguyên văn: Universal Church – Đạo Công Giáo
[6]Tên gọi miệt thị của người theo Đạo Công Giáo
[7]Người theo Thuyết Nhất Thể (Unitarianism)
[8]Nguyên văn: revealed religion – tôn giáo thiên khải, được tin là do Chúa Trời trực tiếp phát hiện cho nhân loại
[9]Akbar (1542-1605): Hoàng đế vương triều Mogul Ấn Độ
[10]Charlemagne (742 – 814): Đại đế, vua Pháp và hoàng đế Đế quốc La Mã Thần Thánh
[11]Puritanism (Thanh giáo): đạo Tin Lành của Anh và Mỹ ở thế kỷ 16 và 17
[12]M. Comte (1798-1857): nhà triết học Pháp

Nguồn: bản tiếng Anh: http://www.bartleby.com/130/1.html

Đã đăng trên talawas: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=1206&rb=0301

The Gettysburg address – Lincoln

4D65D684-0A42-40C5-B41C-655251B8D50A

The Gettysburg address

Four score and seven years ago our fathers brought forth on this continent, a new nation, conceived in Liberty, and dedicated to the proposition that all men are created equal.

Now we are engaged in a great civil war, testing whether that nation, or any nation so conceived and so dedicated, can long endure. We are met on a great battle-field of that war. We have come to dedicate a portion of that field, as a final resting place for those who here gave their lives that that nation might live. It is altogether fitting and proper that we should do this.

But, in a larger sense, we can not dedicate – we can not consecrate – we can not hallow — this ground. The brave men, living and dead, who struggled here, have consecrated it, far above our poor power to add or detract. The world will little note, nor long remember what we say here, but it can never forget what they did here. It is for us the living, rather, to be dedicated here to the unfinished work which they who fought here have thus far so nobly advanced. It is rather for us to be here dedicated to the great task remaining before us — that from these honored dead we take increased devotion to that cause for which they gave the last full measure of devotion — that we here highly resolve that these dead shall not have died in vain — that this nation, under God, shall have a new birth of freedom — and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth.

Abraham Lincoln – Gettysburg, Pennsylvania, on November 19, 1863

A1FEA0B4-FAAC-4B65-B77C-9D4C0E003B21

Gettysburg Address, First Draft
Gettysburg Address, First Draft


Diễn văn Gettysburg

Tám mươi bảy năm trước cha ông của chúng ta đã khai sinh trên mảnh đất này một quốc gia mới, thai nghén trong Tự do, và hiến dâng cho một lý tưởng rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng.

Giờ đây chúng ta giao tranh trong một cuộc nội chiến vĩ đại, để thử thách xem quốc gia đó, hay bất kỳ quốc gia nào được thai nghén như thế và được hiến dâng như thế, có thể tồn tại lâu dài không. Chúng ta gặp nhau trên một chiến trường vĩ đại của cuộc chiến đó. Chúng ta đến để hiến dâng một phần của chiến trường đó, để làm nơi an nghĩ cuối cùng cho những người đã hiến dâng đời mình để quốc gia đó được sống. Đó là một hành động xứng đáng và đúng đắn mà chúng ta cần phải làm.

Nhưng, ở một ý nghĩa lớn lao hơn, chúng ta không thể hiến dâng – chúng ta không thể thánh hoá – chúng ta không thể làm thiêng liêng hơn – chỗ đất này. Những người anh dũng, còn sống hay đã chết, những người đã chiến đấu ở đây, đã làm nó thiêng liêng rồi, hơn rất nhiều khả năng ít ỏi của chúng ta thêm vào hay bớt đi. Thế giới sẽ biết rất ít, hay không còn nhớ những gì chúng ta nói ở đây, nhưng không thể quên những gì họ đã làm ở nơi đây. Vì thế chúng ta những người còn sống, cần hiến dâng cho công trình còn dang dở mà những người chiến đấu nơi đây đã thực hiện một cách cao cả. Vì thế lúc này chúng ta phải hiến dâng cho nhiệm vụ to lớn trước mắt – rằng từ những hy sinh trong danh dự này chúng ta phải hiến dâng nhiều hơn nữa cho mục đích mà họ đã hy sinh hết mình – rằng chúng ta phải hết lòng để những cái chết đó không uổng phí – rằng quốc gia này, dưới quyền năng Thượng Đế, sẽ khởi sinh một nền tự do mới – và rằng chính quyền của dân, do dân, vì dân, sẽ không tàn lụi khỏi trái đất này.

Abraham Lincoln – Gettysburg, Pennsylvania, ngày 19 tháng 11, 1863

83760AB3-5760-4215-BAB5-FA749444E7CE

Bản dịch này chịu ảnh hưởng nhiều từ bản dịch của Nguyễn Xuân Xanh ở đây:
http://www.diendan.org/dich-thuat/dien-van-gettysburg

The Refiner’s Fire – David Brooks

A0F44E85-ADC7-4307-A088-0F61C0301A9C

Tôi luyện qua lửa đỏ
David Brooks
Võ Tấn Phát dịch

Người dịch: trí thức Việt Nam thường thích coi những học giả kiểu Noam Chomsky như những trí thức hàng đầu thế giới, mà không thấy rằng các nhà hàn lâm đó thường không có ảnh hưởng gì lắm trong đời sống chính trị của Mỹ. Xin giới thiệu một bài viết ngắn của một trong những ký giả có ảnh hưởng nhất trong nền chính trị Mỹ về một trí thức khác thất bại trên chính trường Canada. Bài viết cho thấy sự khó khăn khi trí thức dấn thân vào chính trị, và bài học đau đớn nhưng trung thực rút ra từ đó. Điều đó hoàn toàn đối lập với các trí thức Việt Nam, nhất là giới trí thức cánh tả hải ngoại, cũng hăng hái đi theo hoặc ủng hộ nhà nước Cộng sản Việt Nam, rồi chứng kiến cái nhà nước đó tan hoang mục rã, rồi thản nhiên chê bai cái chế độ Cộng sản mục ruỗng hiện thời dường như mình vô can, nhưng vẫn thản nhiên thần tượng những Bác Hồ, tướng Giáp, cứ như họ chẳng rút ra được bài học gì sất.

Năm 2005, Michael Ignatieff rời nghề giáo ở Harvard để bước vào lĩnh vực chính trị ở Canada với hy vọng sẽ trở thành thủ tướng.

Ông nhanh chóng nhận ra chính trị và học thuật khác nhau như thế nào. Trong học thuật, ta dùng từ ngữ để thuyết phục và khám phá; trong chính trị, ta dùng từ ngữ để xây dựng quan hệ. Học thuật là hoạt động của bộ óc, nhưng chính trị là hoạt động của cơ thể, một kiểu thi đấu xem ai có sức lôi cuốn hơn, trong đó ta tiếp xúc với dân chúng để cho thấy ta quan tâm tới họ.

Trong học thuật, mục đích là khám phá ra một chân lý vô thời hạn. Trong chính trị, cái quan trọng nhất là đúng thời, biết rằng lúc nào là chín muồi cho một đề xuất nào đó. Trong học thuật, mục tiêu là giữ vững một quan điểm dựa trên điều gì ta tin tưởng; trong chính trị, mục tiêu là chọn chỗ đứng nào trên trục tả- hữu để chỉ rõ sự khác nhau giữa ta và đối thủ nhằm chiếm được sự ủng hộ của đa số.

Trong học thuật, một sự khiêm tốn giả tạo nào đó đáng được khuyến khích; trong chính trị, ta phải tự thêu dệt một truyền thuyết về bản thân – dựng ra một câu chuyện để cho thấy cuộc sống của ta liên hệ với một số chính sách như thế nào. Trong học thuật, ta được tưởng thưởng vì sự trung thực, tính chặt chẽ trí tuệ và sự sẵn sang theo đuổi một ý tưởng nào đó đến cùng. Trong chính trị, tất cả đều là những phẩm chất gây thất bại.

Và dĩ nhiên là Ignatieff thấy rằng chuyển sang chính trị có nhiều khó khăn hơn ông tưởng. Ông bắt đầu khá dễ dàng. Ông được bầu vào Quốc Hội. Trong vòng một năm, ông là phó lãnh tụ đảng, và chỉ trong vài năm, ông là lãnh tụ Đảng Tự Do của Canada.

Nhưng ông đi vào một lãnh vực vượt quá năng lực và là nạn nhân của những xu hướng lịch sử không thể đảo ngược được. Ông không phải là một lãnh tụ đối lập hiệu quả.Trong cuộc bầu cử toàn quốc đầu tiên, ông và đảng của ông bị thất bại thê thảm. Ignatieff thậm chí còn mất chiếc ghế quốc hội. Đó là một thất bại nhục nhã, và chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông.

May mắn là ông không quay về tay trắng. Hồi ký của ông, “Lửa và tro: Thành công và Thất bại trong Chính trị”, là cuốn sách hay nhất về cảm tưởng của một nhà chính trị kể từ cuốn sách “Cần có gì [để trở thành tổng thống]” của Richard Ben Cramer.

Ignatieff lúc đầu được mời ứng cử bởi những những người môi giới chính trị hậu trường, mặc dù ông đã không sống ở nước của ông [Canada] cả 30 năm trời. Ông dồng ý nhưng lúc đầu không chắc chắn lắm tại sao ông muốn thế ngoài một cảm giác mù mờ là làm cha mẹ ông hãnh diện.

Ông đã bị những người bạn cũ phản bội. Ông chịu đựng sự hạ cố không đáng phải chịu và đầy kiêu ngạo từ những nhà bình luận chính trị. Ở Quốc Hội, ông hoàn toàn đầy óc đảng phái, đặt sự trung thành cho phe phái cao hơn sự trung thành vào chân lý. Ông không có người bạn nào không thuộc đảng của ông. Ông căm ghét phe đối lập. “Chúng tôi đã không phí một hơi sức nào để thuyết phục phe bên kia bất cứ thứ gì”, ông nhớ lại.

Ông học được rằng khi ta tấn công đối thủ, ta phải tấn công vào những điểm mạnh của anh ta, vì những điểm yếu sẽ tự hạ bệ chúng. Đối thoại chính trị, ông đi đến kết luận, không phải là đối thoại về các vấn đề; nó là trận chiến bằng lời nhằm phủ nhận những đối thủ về lập trường của họ, hay như chúng ta thường nói, chính nghĩa của họ. “Trong cả ba cuộc bầu cử tôi đã tham gia, không có một cuộc tranh luận nào là về tương lai của đất nước. Tất cả đều là những cuộc chiến tàn nhẫn về lập trường”.

Trong quá trình hoạt động chính trị ông trải qua thử thách tính cách mà tất cả các nhà chính trị trung trực phải đối diện. Ông viết rằng “chính trị thử thách khả năng tự biết mình nhiều hơn bất kỳ ngành nghề nào khác mà tôi biết”. Ông đã tự ngắm mình trong gương, với bộ com-lê những trợ lý lựa chọn cho ông, và cảm thấy như bị xâm nhập bởi một kẻ lạ mặt nào đó ông không nhận ra. Ông sống mỗi ngày từng phút từng giây hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng của người khác để đánh giá hành động của mình. Sau những cuộc trả lời phỏng vấn tồi tệ, ông vào phòng tắm, chẳng biết mình có đủ năng lực cho công việc không, đối diện với những sai lầm cho thấy là ông chưa đủ sức. “Trong đời chưa bao giờ tôi ăn diện đẹp hơn mà cảm thấy trống rỗng hơn.”

Nhưng Ignatieff cuối cùng đã đưa ra một biện hộ mạnh mẽ cho hoạt động chính trị. Các nhà chính trị không nên tưởng rằng mình cao quý hơn cái tiến trình họ tham dự. Ông kết luận rằng các nhà chính trị đoàn kết người dân với nhau thành những cộng đồng hay các quốc gia. Trở thành một nhà chính trị là trở nên “trần tục và tội lỗi nhưng đồng thời cũng trung thành và không sợ hãi. Ta đem những tham vọng trơ tráo của ta vào việc phục vụ những người khác. Ta hy vọng rằng những tham vọng của ta sẽ được bù lại bằng điều thiện ta làm”.

Chính trị, như câu nói nổi tiếng của Max Weber, giống như phải khoan lỗ qua những phiến gỗ cứng, cần phải mạnh nhưng chậm. Những kẻ nhảy vào vì ích kỷ hay hợm hĩnh thường bỏ cuộc, bởi vì đời sống họ sẽ khốn khổ. Những người sống sót được thường được thúc đẩy bởi tinh thần phục vụ, và bởi chứng cớ về điều tốt đẹp mà luật pháp và các chương trình [xã hội] có thể đem lại. Ignatieff đã thất bại trong chính trị, nhưng được tôi luyên qua tham vọng chính trị, ông nhận ra tham vọng đó dù có dơ bẩn nhưng đáng giá biết chừng nào.

Nguồn: http://www.nytimes.com/2014/02/14/opinion/brooks-the-refiners-fire.html

Bài đã đăng trên: https://damau.org/31011/toi-luyen-qua-lua-do